(Xem bản đầy đủ tại đây hoặc tóm tắt ở bên dưới)
BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ BẮC HÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
QUY CHẾ
Đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn trình độ Cao đẳng tại trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17 /QĐ-BHU ngày 25 tháng 08 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định tổ chức hoạt động đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn trình độ Cao đẳng tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà (sau đây gọi tắt là CBH) bao gồm: tuyển sinh; tổ chức đào tạo; thi, kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp; cấp phát văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp, giấy chứng nhận hoàn thành môn học, mô - đun, tín chỉ; quyền hạn và trách nhiệm của nhà trường, của giảng viên, của quản trị khóa học, của quản trị hệ thống, của cố vấn học tập và của người học; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện.
2. Quy chế này áp dụng đối với cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy, sinh viên học tập các ngành nghề cấp bằng; chứng nhận hoàn thành môn học, mô đun, tín chỉ theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà.
3. Quy chế này được áp dụng trong phạm vi Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà và các đơn vị liên kết với CBH về tuyển sinh, tổ chức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn trình độ Cao đẳng.
Điều 2. Hệ thống quản lý đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn
1. Hệ thống quản lý đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn bao gồm: hệ thống quản lý học tập và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
2. Hệ thống quản lý học tập:
a) Cổng thông tin: Để công bố, giới thiệu các nội dung về chương trình đào tạo; thông tin tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh.
b) Phân hệ học tập: Để người học truy cập vào các nội dung học tập từ xa và có thể tự học tập, tự đánh giá, nắm bắt được tiến trình, kết quả học tập của bản thân.
c) Phân hệ giảng dạy: Để giáo viên quản lý học liệu đào tạo từ xa, thiết lập quy luật học, trả bài, thi kiểm tra; theo dõi, tương tác, trợ giúp, hướng dẫn người học; xác thực và kiểm soát quá trình học của học viên; quản lý học viên, lớp học.
d) Phân hệ tổ chức thi: Để Nhà trường tổ chức thi, kiểm tra đánh giá ghi nhận tiến trình học tập và kết quả học tập của người học.
e) Phân hệ lớp học trực tuyến: Để tổ chức các lớp học trực tuyến theo thời gian thực.
f) Ứng dụng trên thiết bị di động: Để thực hiện giảng dạy, học tập dễ dàng, thuận tiện trên các thiết bị di động. (Nếu có)
g) Phân hệ báo cáo: Để trích xuất được các thông tin của quá trình đào tạo và các hoạt động của người dạy, người học.
h) Đội ngũ nhà giáo, cán bộ kỹ thuật, cán bộ hỗ trợ, cán bộ quản lý hệ thống để tổ chức đào tạo và quản trị vận hành hệ thống.
3. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng của Nhà trường có đủ băng thông, năng lực đáp ứng nhu cầu truy cập của người dùng; Nhà trường duy trì tối thiểu hai hệ thống hạ tầng kỹ thuật để dự phòng lẫn nhau.
Điều 3. Phương thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn
Phương thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn áp dụng tại CBH là đào tạo thông qua mạng Internet (gọi là đào tạo trực tuyến E-Learning) qua đó người học có thể tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua các học liệu điện tử đa phương tiện (video có lời giảng, lời thuyết minh, âm thanh, hình ảnh, đồ họa…) với các hình thức học tập như: M-Learning (học thông qua thiết bị di động: điện thoại thông minh, máy tính bảng, màn hình tương tác); U-Learning (học thông qua các phương thức tương tác thực tế ảo); hay Smart- Learning (phương tiện học tập thông minh) hay học qua các thiết bị truyền hình qua mạng (Meeting, Webinar).
Điều 4. Phương thức tương tác trong đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn
Có các phương thức tương tác khác nhau trong đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Tùy thuộc vào nội dung, thời lượng và số lượng người học tham gia mà giảng viên có thể lựa chọn các phương thức tương tác phù hợp.
a. Diễn đàn trao đổi (Forum)
1. Diễn đàn trao đổi là nơi giảng viên – người học, người học – người học có thể trao đổi, thảo luận và chia sẻ về nội dung học tập.
2. Trước khi đăng bài viết lên diễn đàn, giảng viên và người học phải lưu ý kiểmtra nội dung cho phù hợp với quy định của việc sử dụng hệ thống E-Learning.
3. Nội dung bài viết cần rõ ràng, ngôn từ trong sáng, thể hiện sự tôn trọng và có thái độ đúng mực với giảng viên và người học khác.
4. Nghiêm cấm sử dụng hệ thống đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn làm nơi thảo luận, truyền bá các thông tin không lành mạnh, phản động, khiêu dâm, chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, các thông tin xâm phạm đến đời tư của các thành viên sử dụng hệ thống, các thông tin đưa lên với mục đích kiện cáo, bôi nhọ, gây dư luận,…
5. Quản trị hệ thống không chịu trách nhiệm về bản quyền của các nội dung được chia sẻ trên diễn đàn trao đổi.
b. Chat
1. Chat là công cụ trao đổi, thảo luận và chia sẻ về nội dung học tập giữa giảng viên – người học, người học – người học.
2. Trước khi trao đổi, giảng viên và người học cần xác định chủ để, quy định nôi dung cần thảo luận và nội dung trao đổi phải phù hợp với quy định của việc sử dụnghệ thống E-Learning.
3. Nội dung trao đổi cần rõ ràng, ngôn từ trong sáng, thể hiện sự tôn trọng và có thái độ đúng mực với giảng viên và người học khác.
4. Quản trị hệ thống không chịu trách nhiệm về các nội dung được chia sẻ bằng công cụ Chat.
c. Thảo luận trực tuyến bằng công cụ Meeting (sử dụng hệ thống Zoom hay Ms Team)
1. Meeting là công cụ trao đổi, thảo luận trực tuyến trên mạng hoặc thiết bị mobile/ máy tính bảng giữa người học và giảng viên, người học – người học.
2. Khi lựa chọn hình thức này, giảng viên cần đăng ký thời gian thực hiện và thông báo trong chương trình chi tiết của môn học.
3. Nội dung trao đổi cần rõ ràng, ngôn từ trong sáng, thể hiện sự tôn trọng và có thái độ đúng mực với giảng viên và người học khác.
4. Quản trị hệ thống không chịu trách nhiệm về các nội dung được chia sẻ bằng công cụ Meeting.
Điều 5. Thời gian, đối tượng và hình thức tuyển sinh
1. Thời gian tuyển sinh: đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn được thực hiện liên tục, nhiều lần trong năm.
2. Đối tượng tuyển sinh:
a) Đối với trình độ cao đẳng:
- Học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên;
- Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT;
- Học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp.
b) Đối với thí sinh người nước ngoài có nguyện vọng học sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tại Việt Nam: Hiệu trưởng trường căn cứ kết quả học tập ở THCS, THPT hoặc tương đương trở lên của thí sinh (bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ minh chứng) và kết quả kiểm tra kiến thức, tiếng Việt (nếu cần) theo quy định của Trường để xem xét, quyết định tuyển thí sinh vào học.
c) Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề, đại học có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai.
3. Hình thức tuyển sinh: tuyển sinh đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn được thực hiện bằng hình thức xét tuyển dựa trên hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Điều 6. Hồ sơ và thủ tục tuyển sinh
1. Hồ sơ đăng ký xét tuyển bao gồm:
Đối với trình độ đào tạo cao đẳng, hồ sơ gồm:
a) Phiếu đăng ký xét tuyển, Sơ yếu lý lịch (theo mẫu của trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà) có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan công tác;
b) 01 Bản sao công chứng Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân;
c) 02 Bản sao công chứng văn bằng cao nhất đã có (văn bằng từ tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên) + 02 bản sao công chứng Học bạ (hoặc Bảng điểm);
d) 04 ảnh 3x4 ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh ở mặt sau;
e) Bản sao công chứng Giấy khai sinh;
f) Đối với người học là công dân nước ngoài có thêm các hồ sơ khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
* Lưu ý: Trường không hoàn lại hồ sơ đã nộp.
2. Thủ tục tuyển sinh gồm các bước sau:
a) Thành lập Hội đồng tuyển sinh đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn;
b) Phát hành thông báo tuyển sinh đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, trong thông báo tuyển sinh phải bao gồm các nội dung: chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh, mức phí xét tuyển, học phí và các khoản thu khác của người học đối với cả khóa học hay đối với mỗi môn học, mô đun hoặc tín chỉ; thời gian tuyển, phương thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; địa điểm nhận hồ sơ, thông tin liên lạc và một số thông tin liên quan khác;
c) Công bố công khai thông báo tuyển sinh đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn trên trang thông tin điện tử của trường;
d) Tiếp nhận hồ sơ, đăng ký vào hệ thống tuyển sinh trực tuyến của trường;
e) Thẩm định hồ sơ và ra quyết định trúng tuyển. Thông báo kết quả trúng tuyển (Giấy báo nhập học) đến người dự tuyển biết để làm thủ tục nhập học.
Điều 7. Nhập học, công nhận sinh viên và tổ chức khai giảng
1. Tổ chức nhập học: người trúng tuyển sẽ làm thủ tục nhập học tại phòng Tuyển sinh của trường. Hồ sơ nhập học gồm: Giấy báo nhập học (bản gốc); Bản gốc văn bằng tương ứng với bản sao nộp tại hồ sơ tuyển sinh để đối chiếu và thẩm định; Kinh phí gồm học phí và phí nhập học.
2. Công nhận sinh viên: sau khi nhập học, phòng Tuyển sinh chủ trì phối hợp với Trung tâm đào tạo trực tuyến của trường kiểm tra, tham mưu cho Hiệu trưởng ra quyết định công nhận sinh viên và gửi cho các đơn vị liên quan để quản lý và triển khai đào tạo.
3. Tổ chức khai giảng: Trung tâm đào tạo trực tuyến chịu trách nhiệm tổ chức khai giảng theo nghi thức trang trọng tại trường. Tại buổi lễ khai giảng cán bộ quản lý của Trung tâm phải phổ biến Quy chế đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; kế hoạch đào tạo và hướng dẫn tham gia học tập cho sinh viên mới nhập học.
Trường hợp tuyển sinh bổ sung không trùng vào khóa học mới thì chỉ tổ chức tập trung sinh viên mới nhập học để phổ biến quy chế đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; kế hoạch đào tạo và hướng dẫn tham gia học tập.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ Quy chế này, Trung tâm đào tạo trực tuyến phối hợp với các Khoa chuyên ngành của trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức chuẩn bị học liệu đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đưa các học liệu vào giảng dạy trực tuyến; tập huấn nâng cao năng lực cho giảng viên, cố vấn học tập; quản lý và giám sát quá trình dạy - học.
2. Quy chế này được áp dụng chính thức từ năm học 2021– 2022.
3. Nhà trường sẽ điều chỉnh, bổ sung Quy chế này khi có những quy định mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
KT. HIỆU TRƯỞNG PHÓ HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
ThS. Lê Minh Tiến